
Học gì và học như thế nào cho hiệu quả luôn là câu hỏi nhức nhối của những bạn đang tìm kiếm khóa học tiếng Anh tại Philippines. Mình đã dành nhiều thời gian tìm hiểu thông tin này trên Internet, nhưng hầu hết thông tin nhận được đều khá chung chung và không có nhiều giá trị. Chẳng hạn như “sáng bạn sẽ có 4 lớp Speaking, Listening, Writing, Reading, chiều có 2 lớp nhóm và tối là thời gian tự học”. Vậy cụ thể trong những lớp 1-1 mình sẽ học giáo trình ra sao? Các lớp nhóm có những hoạt động gì? Môi trường học tập bên Phil như thế nào? Với kinh nghiệm cá nhân, mình xin chia sẻ để các bạn có cái nhìn thực tế hơn về không khí và không gian học tập bên này.
Tất cả các trường Anh ngữ ở Phil đều có lớp 1-1, nghĩa là bạn sẽ học một tiết 50 phút với một giáo viên. Môn học xoay quanh 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết, với giáo trình đa dạng từ tự biên soạn đến sử dụng giáo trình nước ngoài. Lớp học 1-1 là những phòng nhỏ, diện tích khoảng 1,5m x 2m, đủ cho một bàn hai ghế để thầy trò ngồi học, có một quạt hút nhỏ ở cạnh cửa ra vào để thông gió. Với không gian riêng tư và yên tĩnh như vậy, phòng học rất phù hợp cho những bạn cần tập trung cao độ.
Mình đã trải nghiệm kiểu phòng này khi học ở Elitopia Academy tại Manila. Ban đầu rất thích vì không bị ai làm phiền, không có tiếng ồn. Tuy nhiên, dần dần mình cảm thấy buồn ngủ do thiếu oxy, và nhận ra rằng giao tiếp trong môi trường yên tĩnh không sát thực tế lắm. Bởi trong cuộc sống, hội thoại thường diễn ra ở văn phòng, quán cafe, siêu thị và các nơi công cộng – nơi có nhiều âm thanh xung quanh. Nếu chỉ luyện trong phòng kín, làm sao có thể tập trung nghe trong môi trường thực tế?
Kiểu phòng 1-1 thứ hai mình học là ở QQEnglish tại Cebu. Phòng này được gọi là Station, nhỏ hơn loại phòng đề cập ở trên và là không gian mở, nên luôn có tiếng xì xào từ các phòng bên cạnh. Ai quen học trong không gian yên tĩnh sẽ dễ thấy khó chịu vì những âm thanh này. Tuy vậy, mình vẫn nghe rõ giáo viên và giao tiếp bình thường. Thời gian đầu, do chưa quen nên mình hay buồn ngủ, đôi khi phải xin ra ngoài rửa mặt cho tỉnh táo, haiz học hành khổ quá mà. Việc chọn học ở phòng kín hay mở phụ thuộc vào sở thích cá nhân, nhưng vì thích không gian thoáng và có tiếng động tự nhiên, mình chọn phòng bên QQEnglish.

Giáo trình của hai trường cũng khác nhau. Elitopia dùng sách Cambridge, còn QQEnglish dùng giáo trình tự biên soạn. Với bộ sách Cambridge, mình có 4 cuốn tương ứng với 4 kỹ năng nghe-nói-đọc-viết, giống như học tiếng Anh ở Việt Nam. Mỗi tiết học dùng một cuốn, làm bài tập theo hướng dẫn. Do học 1-1, mỗi khi phát âm sai hay gặp điểm quan trọng, giáo viên sẽ dừng lại chỉnh sửa ngay, giúp mình nhớ lâu. Dù đôi khi hơi bực vì bị nhắc nhiều, nhưng do còn yếu nên mình cố gắng tiếp thu vậy. Thành thật mà nói, chương trình học ở Elitopia không để lại ấn tượng gì đặc biệt, không khác mấy so với học ở Việt Nam.
Sang QQEnglish thì trải nghiệm hoàn toàn khác. Trường có ứng dụng cho học viên quản lý thời khóa biểu, giúp biết trước mai học với ai, chủ động chọn môn học phù hợp cũng như đặt lịch với giáo viên mình thích. Đặc biệt, bạn có thể linh hoạt sắp xếp lịch học theo nhu cầu cá nhân. Ví dụ, có thể hủy tiết sáng nếu bận việc và đặt bù vào buổi chiều. Điều này chỉ có ở QQEnglish, các trường khác không cho phép.
Môn học ở đây do trường biên soạn với nhiều chủ đề hay, và bạn có thể chọn môn phù hợp với nhu cầu. Sau tuần đầu trải nghiệm, mình tập trung vào lớp “Phonetics – Phát Âm” và “R.E.M.S – Lớp Phản Xạ”. Đây là điểm mình thích nhất vì khi đã chọn được môn phù hợp, mình học rất hăng say, chăm chỉ. Sau thời gian chuyên tâm, kỹ năng phát âm của mình được cả giáo viên lẫn bạn bè quốc tế khen ngợi. Cũng cảm thấy có chút gì đó tự hào về bản thân mình.
Khi học ở QQEnglish, do bận làm freelancer nên mình chỉ tập trung học 1-1, mãi đến lúc chuẩn bị về nước mới thử học 2 tiết nhóm. Lớp nhóm tối đa 6 học viên cùng trình độ (dù không phải lúc nào cũng vậy), giáo viên sẽ đưa ra chủ đề để mọi người trình bày quan điểm hoặc thảo luận nhóm. Điều thú vị ở đây là dễ làm quen với học viên quốc tế, tạo cơ hội giao lưu ngoài giờ học như đi ăn, cafe cuối tuần. Tất nhiên cũng có học viên gây khó chịu với những câu hỏi vô duyên hoặc không chịu nói tiếng Anh (nhất là khi có 2-3 người cùng quốc tịch trong một nhóm). Cá nhân mình vẫn thích tham gia lớp nhóm khi có thời gian, vì dù không học được nhiều thì việc có thêm bạn bè quốc tế cũng rất có ích.
Kinh nghiệm cho thấy, trước khi đi học cần xác định rõ trình độ và điểm yếu của mình để có phương pháp học hiệu quả. Do yếu kỹ năng nói và phát âm, mình dành rất nhiều thời gian để luyện nói. Ngoài lớp “Phát Âm” và “Phản Xạ”, mình còn chủ động giao tiếp với bạn bè quốc tế và người bản địa khi đi ra ngoài. Vì thời gian học ngắn nên mình phải tận dụng tối đa ưu điểm của một môi trường 100% tiếng Anh để cải thiện kỹ năng giao tiếp.
Qua bài viết này, mình hy vọng các bạn có thêm thông tin cụ thể và hữu ích, cũng như góc nhìn thực tế từ trải nghiệm của mình để chuẩn bị tốt cho hành trình du học. Một khởi đầu được chuẩn bị kỹ sẽ tạo nền tảng vững chắc cho bạn bước ra thế giới rộng lớn.